Các yếu tố chi phối phòng thủ Phòng thủ (quân sự)

Điều kiện tự nhiên

Nước Anh nhờ vào vị trí là một hòn đảo đã tránh được rất nhiều cuộc xâm lược và kế hoạch xâm lược từ các cường quốc lục địa, và an toàn qua nhiều thời kỳ chiến tranh ở lục địa châu Âu.

Nước Mỹ nhờ vào sự tách biệt của hai đại dương lớn, đã tránh được sự tàn phá trong hai cuộc chiến tranh thế giới, từ sau 1945, chính sách an ninh của Mỹ nhấn mạnh việc củng cố hải quân trên đại dương và vành đai căn cứ quân sự ở hai bờ đối diện.

Chính sách

Nhật Bản ở vào một vị trí lợi thế về địa lý như Anh, quốc gia đảo này đã an toàn trong nhiều thời kỳ lịch sử. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã thực thi biện pháp quốc phòng sai lầm, với quan niệm nước Nhật luôn tấn công, Nhật Bản ít chú trọng xây dựng lực lượng phòng không mà chủ yếu tập trung cho các hạm đội để bảo vệ, khi các hạm đội Nhật bị đánh chìm, không quân Đồng minh dễ dàng oanh tạc lên các đảo của Nhật. Chính sách này cũng liên quan nguồn lực vật chất hạn chế, góp phần vào việc bỏ dỡ củng cố năng lực phòng không.[4]

Nguồn lực vật chất

Trong Thế chiến thứ hai, khi quân đội Đức Quốc xã bị chặn đứng ở Moskva thủ đô của Liên bang Xô viết, các nhà lãnh đạo Đức đã có thể nhìn thấy thất bại khó có thể tránh khỏi của họ. Nỗ lực mới đã được chuyển hướng đến Stalingrad và ở đó Đức cũng bị đánh bại. Phòng thủ của Liên Xô đã thành công, xét về thế và lực, Đức đã rơi vào tình cảnh thất bại, vì nguồn lực vật chất của Đức Quốc xã chỉ được thiết kế cho một cuộc chiến tranh ngắn hạn. Một bên phòng thủ chiến lược thành công đã đánh bại hoạt động tấn công ngắn hạn của một bên, một ví dụ của cả phòng thủ và tấn công liên quan nguồn lực vật chất.

Lợi thế không gian

Phòng thủ thường hiệu quả hơn đối với một bên có phạm vi không gian rộng lớn, họ có thể lùi sâu vào trong lãnh thổ như trường hợp Liên Xô khi họ thực thi phòng thủ chiều sâu, điều này giúp kéo dãn đội hình quân đối phương theo một tuyến dài. Nhưng đối với các quốc gia có diện tích nhỏ thì hoạt động phòng thủ sẽ không cho phép họ có nhiều chọn lựa, họ không thể di dời linh hoạt mà chỉ có thể chiến đấu đến chết.

Lợi thế không gian cũng có điểm dừng, như trường hợp Hồng quân phải chiến đấu không thể tháo lui tại vành đai phòng thủ thủ đô Moscow, và họ chỉ có thể chiến đấu đến chết với tinh thần: "nước Nga tuy rộng lớn nhưng chúng ta không có chỗ rút lui, chúng ta quyết không lùi bước vì đằng sau là Moscow".

Địa thế chiến lược

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, vào năm 1975, việc phòng thủ đã thất bại khi quân lực Việt Nam cộng hòa mắc sai lầm rời bỏ vùng Tây Nguyên, một khu vực chiến lược, mà nối tiếp là các sự kiện có thể thấy rõ khi vùng duyên hải Nam Trung Bộ bị tấn công không có khả năng chống giữ, và hệ quả tiếp theo là Nam Việt Nam bị cắt làm đôi. Đây là ví dụ của phòng thủ liên quan địa thế.